Ghép xương trong nha khoa (ghép xương) là một thủ thuật phẫu thuật được thực hiện để tăng lượng xương của vùng xương hàm đã bị tiêu đi hay cần thêm nâng đỡ. Xương có thể được lấy từ bất kỳ vị trí nào trên cơ thể hoặc sử dụng vật liệu xương tổng hợp. Ghép xương là cần thiết cho thủ thuật tiếp sau đó, chẳng hạn như cấy implant nha khoa, hay khi tiêu xương ảnh hưởng tới vùng nướu và các răng kế cận.
Bài này cho chúng ta biết một cách tổng quát ghép xương là như thế nào, quy trình thực hiện ra sao?
1. Ghép xương là gì?
Ghép xương được thực hiện bởi nha sĩ hay bác sĩ phẫu thuật miệng trên bệnh nhân mất một răng, nhiều răng hay có bệnh quanh răng. Những tình trạng này đều có thể gây tiêu xương. Phương pháp thường được sử dụng là lấy xương từ chính bệnh nhân như xương mào chậu, xương chày hoặc vùng phía sau của xương hàm. Phương pháp này được gọi là ghép xương tự thân. Ghép xương tự thân (Autografts) được coi là “Tiêu chuẩn vàng” vì tăng được nhiều xương nâng đỡ, kích thích lành thương và hình thành xương mới nhanh hơn.
Có 4 loại ghép xương:
- Ghép xương tự thân (Autografts): sử dụng xương từ chính bệnh nhân như xương mào chậu hay xương hàm.
- Ghép xương đồng loại (Allografts): sử dụng xương từ người khác, thường là từ tử thi.
- Ghép xương dị loại (Xenografts): sử dụng xương từ chủng loài khác, chẳng hạn như bò, lợn hay san hô.
- Ghép xương tổng hợp (Alloplasts): sử dụng vật liệu tổng hợp, chẳng hạn như calcium phosphate hay calcium sodium phosphosilicate (Bioglass).
2. Những trường hợp nào cần ghép xương?
Sau đây là một số nguyên nhân hay gặp nhất khiến bạn có thể cần phải thực hiện ghép xương trong nha khoa:
2.1. Cấy Implant phục hồi răng
Những bệnh nhân được cấy implant vào vị trí mất răng thường phải thực hiện ghép xương. Implant nha khoa là một vít hình dạng chân răng nhân tạo được đặt vào trong xương hàm. Sau đó, một mão răng tương ứng được gắn lên trên implant. Thông thường, ghép xương cần thiết để tạo một vùng xương đủ chắc làm nền cho implant.
2.2. Mất răng hay bệnh quanh răng
Thậm chí nếu bạn không cấy implant nha khoa thì bạn vẫn cần phải ghép xương để tạo nâng đỡ cho một phần xương hàm đã bị tiêu do mất răng hay bệnh quanh răng. Tiêu xương có thể ảnh hưởng tới các răng và mô nướu kế cận. Ổn định xương hàm bằng ghép xương có thể ngăn cản việc tiêu xương tiếp diễn và giảm các biến chứng về lâu dài. Nếu bệnh quanh răng không được kiểm soát một cách hiệu quả thì nó có thể dẫn tới mất răng trong tương lai và thậm chí là bệnh lý tim mạch.
2.3. Tiêu xương
Ghép xương cần thiết khi tiêu xương ảnh hưởng tới thẩm mĩ. Tiêu xương hàm nhiều có thể khiến khuôn mặt trở nên ngắn hơn bình thường. Nếu xương hàm dưới tiêu nhiều thì nó sẽ có xu hướng đưa ra phía trước. Khi không có đủ cấu trúc xương nâng đỡ bên dưới, môi và các cơ xung quanh khiến bạn có thể thay đổi diện mạo. Da trên vùng xương hàm bị tiêu có nhiều nếp nhăn hơn. Tiêu xương hàm phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, giống như tình trạng xương mỏng đi, loãng xương tăng lên khi bạn già đi. Trường hợp bạn đã từng bị chấn thương xương hàm hoặc những vấn đề liên quan tới vệ sinh răng miệng kém, ở bất kì độ tuổi nào, có thể cũng cần ghép xương.
3. Ghép xương có đau không?
Ghép xương là một thủ thuật phẫu thuật tương đối nhẹ nhàng nếu không bao gồm việc lấy xương tự thân. Trong quá trình thực hiện, bạn được gây tê và sẽ không có cảm giác đau cho đến khi thuốc tê hết tác dụng. Có thể cần dùng thêm thuốc giảm đau trong một vài ngày tiếp theo. Thuốc giảm đau được kê đơn phù hợp cho từng trường hợp. Tùy thuộc vào mức độ can thiệp của thủ thuật mà bạn có thể thấy khó chịu một vài tuần sau đó. Nhưng nếu lấy xương tự thân, thủ thuật phẫu thuật được thực hiện tại 2 vị trí, chẳng hạn như mào chậu và xương hàm, bạn sẽ thấy đau hơn. Tuy nhiên, vì lượng xương được lấy và ghép thường khá nhỏ nên thời gian khó chịu thường sẽ không kéo dài.
4. Chi phí ghép xương như thế nào?
Chi phí ghép xương khác nhau tùy thuộc vào độ phức tạp của thủ thuật phẫu thuật và vật liệu ghép. Nếu sử dụng vật liệu xương ghép đồng loại, dị loại hay tổng hợp thì chi phí sẽ thấp hơn so với sử dụng xương ghép tự thân. Bạn có thể kiểm tra danh mục được chi trả của bảo hiểm của bạn có bao gồm ghép xương trong nha khoa hay không.
5. Cần phải chuẩn bị gì trước khi ghép xương?
Bạn không cần chuẩn bị gì nhiều cho ghép xương. Sau đây là một số chú ý trước khi thực hiện thủ thuật:
- Tránh ăn hay uống 8-12 giờ trước thủ thuật, tùy thuộc vào phương pháp gây tê hay gây mê.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về những thuốc bạn đang sử dụng, đặc biệt thuốc chống đông sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
- Sắp xếp phương tiện về nhà sau thủ thuật, vì bạn có thể hơi mệt hoặc choáng sau đó.
6. Ghép xương được thực hiện như thế nào?
Ghép xương thường được thực hiện như sau:
- Gây tê hoặc gây mê trước khi làm thủ thuật, theo dõi các chức năng sống (mạch, huyết áp,…)
- Trợ thủ làm sạch vùng can thiệp.
- Bác sĩ phẫu thuật tạo đường rạch trên vùng nướu và tách nó ra khỏi xương nơi cần ghép.
- Bác sĩ phẫu thuật đặt vật liệu xương ghép giữa 2 diện cắt của xương để chúng có thể tăng sinh cùng nhau.
- Xương ghép được phủ bởi một vật liệu cố định không tiêu hoặc màng hoặc vít đặc biệt.
- Khâu đường rạch và chờ lành thương.
Có 3 kiểu ghép xương chính, mỗi loại phù hợp với những tình trạng thiếu hụt xương hàm khác nhau:
Ghép xương khối
Xương thường được lấy từ vùng phía sau của xương hàm, gần vị trí răng khôn (hoặc nơi răng khôn đã từng mọc). Thường chỉ định cho trường hợp tiêu xương nhiều ở vùng phía trước của hàm.
Nâng xoang
Khi tiêu xương xảy ra ở gần các răng hàm lớn hàm trên, xoang hàm thấp xuống, ghép xương được thực hiện để phục hồi lại sự ổn định của xương hàm trên trong khi xoang được đưa về vị trí thuận lợi.
Ghép xương huyệt ổ răng
Ghép xương được thực hiện tại cùng thời điểm răng được nhổ ra để tránh tiêu xương có thể xảy ra sau khi nhổ răng.
7. Chăm sóc sau ghép xương như thế nào?
Sau khi ghép xương, bạn có thể ra về trong khi vẫn đang cắn gạc trong miệng. Bạn được hướng dẫn thay gạc trong vòng 24 giờ, sử dụng kháng sinh đề phòng nhiễm trùng và thuốc giảm đau.
Một số lời khuyên sau thủ thuật bao gồm:
- Chườm đá giúp làm giảm đau và sưng trong 1 hoặc 2 ngày đầu
- Ăn đồ ăn mềm và nhạt trong những ngày đầu tiên
- Ngủ đầu hơi cao 1 chút trong 1 hoặc 2 ngày đầu để tránh tụ máu tại đường rạch
Trong giai đoạn lành thương ban đầu, bạn cần phải tránh:
- Đồ uống nóng như cà phê hay nước canh nóng
- Đồ ăn cứng hay giòn như đậu phộng
- Hoạt động thể chất, đặc biệt những môn thể thao có nguy cơ va chạm có nguy cơ ảnh hưởng tới vùng thủ thuật
Khoảng 1 tuần hoặc hơn, cảm giác đau âm ỉ tại vùng xương hàm sẽ mất đi, chỉ còn cảm giác khó chịu nhẹ và giảm dần. Sau một vài tuần, hàm của bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bình thường. Nhưng có thể mất vài tháng mới đủ ổn định để cấy implant. Sắp lịch tái khám với bác sĩ nha khoa, ít nhất 1 lần chụp Xquang kiểm tra lành thương trong giai đoạn này.
8. Ghép xương có biến chứng gì không?
Hay gặp nhất sau ghép xương là đau và sưng. Nhưng có thể hạn chế bằng cách chườm đá và sử dụng thuốc giảm đau. Một số trường hợp đặc biệt cần được kê thuốc giảm đau phù hợp. Một số biến chứng thông thường khác bao gồm chảy rỉ máu, khó ăn nhai và nói chuyện trong những ngày đầu tiên.
Mặc dù đây là một thủ thuật khá an toàn và đáp ứng tốt nhưng cũng có một số nguy cơ.
Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp của bất kỳ một thủ thuật phẫu thuật nào, do đó việc sử dụng kháng sinh đầy đủ theo đơn thuốc là rất quan trọng. Ngoài ra những biến chứng không thường gặp (nhưng nghiêm trọng) có thể xảy ra bao gồm:
- Biến chứng liên quan đến đông máu
- Tổn thương dây thần kinh
- Biến chứng do gây tê, gây mê
- Đào thải xương ghép
9. Khi nào phải tới gặp bác sĩ?
Ghép xương là một thủ thuật phẫu thuật an toàn và hiệu quả. Nhưng khi biến chứng xảy ra nặng thì bạn cần phải tới gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Những dấu hiệu sau đây cần chú ý:
- Đau kéo dài, không giảm hay tăng lên một vài ngày sau phẫu thuật
- Nướu sưng to lên và có màu đỏ
- Đau nhói hoặc mất cảm giác kéo dài, không giảm
- Khi một implant có dấu hiệu lung lay cho thấy xương ghép đã bị đào thải
10. Những điều cần ghi nhớ!
Ghép xương được thực hiện để giúp tránh được những vấn đề sức khỏe lâu dài liên quan tới mất răng và bệnh quanh răng, cũng như tạo vùng xương đủ để nâng đỡ cho implant nha khoa.
Thủ thuật phẫu thuật này thường an toàn, mặc dù cũng có một vài nguy cơ xảy ra biến chứng.
Cần phải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ trong chăm sóc sau phẫu thuật để giảm nguy cơ biến chứng và tăng khả năng duy trì sức khỏe răng miệng sau này.