Răng khôn

Bạn có thể mỉm cười nếu bạn đã có đủ cả 4 răng khôn mọc một cách bình thường bởi vì bạn là một trong số ít người may mắn!

Răng khôn là tên thường gọi của răng số 8, hay răng cối lớn thứ ba, thường xuất hiện trên cung hàm ở độ tuổi trưởng thành. Việc nhổ bỏ răng khôn nên được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, nhất là những răng khôn mọc kẹt hoặc mọc ngầm. 

  1. Răng khôn là gì?
  2. Tại sao thường không đủ chỗ để răng khôn mọc ?
  3. Những phiền toái do răng khôn gây ra là gì?
  4. Thế nào là răng khôn mọc ngầm?
  5. Có thể nhổ răng khôn không?
  6. Cần phải chuẩn bị gì trước khi nhổ răng khôn?
  7. Những lưu ý sau khi nhổ răng khôn?
  8. Ai có thể nhổ răng khôn cho bạn?

1, Răng khôn là gì ?

  • Răng khôn là răng hàm lớn thứ 3 hay còn gọi là răng số 8, răng mọc cuối cùng trong miệng
  • Răng thường mọc  ở độ tuổi trưởng thành vào khoảng thời gian từ 16 đến 25 tuổi 

Trở lại câu hỏi

2. Tại sao răng khôn thường không đủ không gian để mọc?

  • Nguyên nhân chính thường do xương hàm hẹp hoặc răng quá to
  • Răng khôn hay mọc lệch vì chúng mọc sau cùng, khi đã bị chiếm hết chỗ, chỉ còn lại một khoảng quá nhỏ so với kích thước của răng. Một nguyên nhân nữa là răng khôn cùng chung lá mầm với răng số 7. Khi mọc, răng số 7 kéo mầm răng số 8 hướng về gần, dễ gây tư thế lệch gần.

rang khon

Trở lại câu hỏi

3. Những phiền toái do mọc răng khôn ?

  • Những khó chịu hay gặp khi mọc răng khôn:
    • Đau vùng răng khôn
    • Nuốt đau hoặc khó nuốt
    • Lợi vùng răng khôn sưng đỏ, căng, chảy máu
    • Sưng phồng xung quanh xương hàm, má tương ứng
    • Hơi thở hôi
    • Cảm giác khó chịu trong miệng, khó há miệng, đau khi ăn nhai
    • Đau đầu

impacted-wisdom-teeth-pain

Trở lại câu hỏi

4. Thế nào là răng khôn mọc ngầm ?

  • Răng khôn mọc ngầm là tình trạng răng bị cản trở không mọc được bình thường vào trong miệng
  • Nguyên nhân cả trởn có thể là do xương hàm, lợi hoặc do hướng mọc răng bị lệch 

Trở lại câu hỏi

5. Khi nào nên nhổ răng khôn ?

  • Không phải tất cả các trường hợp răng khôn đều phải nhổ:
    • Răng khôn mọc thẳng không gây biến chứng 
    • Các răng mọc ngầm nhưng không gây biến chứng hoặc không có nguy cơ gây biến chứng.
    • Bác sĩ  Nha khoa sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng và khả năng mọc răng để có thể điều trị  giải phóng các cản trở giúp răng mọc trong một số trường hợp ( răng khôn mọc thẳng lợi chùm …) 
  • Răng khôn cần phải nhổ trong các trường hợp sau:
    • Gây biến chứng trầm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ: sưng đau nhiều lần, ảnh hưởng hoặc gây nguy hại đến răng kế cận
    • Gây biến chứng hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến răng kế cận và các cơ quan lân cận
    • Gây ra hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến khớp cắn và gây lệch lạc các răng khác hoặc nhổ do yêu cầu giúp nắn chỉnh răng.
    • Đặc biệt đối với trường hợp răng khôn có nguy cơ biến chứng với những bệnh nhân 
      • Phụ nữ trước khi có ý định có thai
      • Bệnh nhân làm ở những nơi không có điều kiện tiếp cận đến chăm sóc y tế: Đi tầu viễn dương, công tác hải đảo …


rang8_Rang7

  • Cân nhắc nhổ trong các trường hợp: Bệnh nhân có một số bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu…
  • Để đánh giá mức độ cũng như nguy cơ nhổ răng khôn bạn cần phải đến khám Bs Nha Khoa

Trở lại câu hỏi

6. Cần làm gì trước khi nhổ răng khôn ?

  • Bệnh nhân nên làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang theo chỉ định trước can thiệp. Trình bày các bệnh lý toàn thân cũng như các thuốc đang sử dụng hiện có cho bác sĩ nhổ răng biết.
  • Trước ngày nhổ răng nên nghỉ ngơi, ngủ sớm, tránh các chất kích thích như bia, rượu thuốc lá… Lấy cao răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước nhổ răng để tránh nhiễm trùng.
  • Nên can thiệp vào buổi sáng, ăn sáng trước khi nhổ răng. Tâm lý thoải mái, thư giãn, không nên căng thẳng và lo sợ. Bệnh nhân dưới 18 tuổi và trên 60 tuổi nên có người nhà đi cùng.

Trở lại câu hỏi

7. Những lưu ý sau khi nhổ răng khôn là gì?

Sau nhổ răng khôn, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ lời dặn dò của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ theo toa để hậu phẫu và lành thương được thuận lợi.

4 triệu chứng bệnh nhân hay gặp sau nhổ răng là sưng, đau, sốtchảy máu.

  • Sưng:
    Là đáp ứng viêm của cơ thể với sang chấn khi nhổ răng, sưng ít hay nhiều phụ thuộc vào mức độ can thiệp và cơ địa mỗi người. Tình trạng sưng thường diễn ra trong khoảng 2 ngày đầu sau nhổ răng sau đó giảm dần.
    Để ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng sưng bệnh nhân nên:
    • Uống thuốc theo đơn
    • Chườm lạnh vào chỗ sưng nhiều lần trong ngày đầu, mỗi lần khoảng 15 -30 phút,
    • Chườm ấm vào chỗ sưng vào ngày thứ hai sau nhổ răng.
  • Đau:
    • Xảy ra khi thuốc tê hết tác dụng, tình trạng đau phụ thuộc vào mức độ can thiệp và ngưỡng đau của mỗi cá nhân. Đau xảy ra trong khoảng 3 ngày sau nhổ răng, sau đó giảm dần.
    • Để giảm đau, bệnh nhân nên uống thuốc theo đơn, các biện pháp làm giảm sưng cũng làm giảm đau.
  • Sốt:
    • Ngày đầu sau nhổ răng, bệnh nhân sẽ có sốt. Tuy nhiên, đây chỉ là đáp ứng của cơ thể chứ không phải là nhiễm trùng.
    • Sốt thông thường sẽ không kéo dài quá ngày thứ hai. Bệnh nhân nên uống thuốc theo đơn bác sĩ để giảm sốt.
  • Chảy máu:
    • Cắn chặt bông gòn trên ổ răng sau nhổ 30 phút để giúp cầm máu, nếu máu tiếp tục chảy thì cắn thêm gạc cho đến khi máu ngừng hắn.
    • Có thể xuất hiện nước bọt có lẫn máu hồng nhạt một đến 2 ngày sau nhổ răng. Bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp duy trì cục máu đông như không súc miệng mạnh, khạc nhổ mạnh trong vòng 6 giờ sau nhổ răng, không súc nước muối, không mút, đưa lưỡi hoặc vật lạ vào ổ răng để thăm dò, ăn nhai bên phần hàm không có răng nhổ,
    • Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng tại ổ răng, ăn thức ăn mềm, nguội trong 24 giờ sau nhổ răng
  • Lưu ý:
    • Nếu tình trạng sưng, đau, sốt, chảy máu kéo dài, trầm trọng và không kiểm soát được thì nên tái khám lại bác sĩ chuyên khoa.

Trở lại câu hỏi

8. Ai có thể nhổ răng khôn cho bạn? 

  • Bác sĩ nha khoa tổng quát có thể nhổ những răng khôn không quá khó 
  • Đối với trường hợp răng khó cần phải can thiệp bằng các dụng cụ chuyên biệt mới lấy được răng ra mà không ảnh hưởng đến tổ chức quan trọng xung quanh khi đó cần Bác sĩ Nha Khoa chuyên phẫu thuật trong miệng.

nho rang khon

Trở lại câu hỏi

3 bình luận về “Răng khôn

  1. englishpronunciationandpractice cho biết:

    Chào bác sĩ! Em là Bùi Thị Ngân, 25 tuổi ạ! Em có mấy vấn đề xin tư vấn ạ!

    1. Em bị răng sưa ở hàm trên, răng cửa và răng số 4 nên muốn đeo niềng để kéo khít lại ạ. Em có đính kèm hình ảnh chụp phim cả hàm răng của em. Mong bác sĩ tư vấn cho em là liệu em có phải nhổ hết 3 chiếc răng khôn còn lại để lấy không gian lắp niềng răng không ạ. Em có nhổ qua một cái răng khôn số 8 lúc trước rồi, 3 cái răng khôn còn lại đã mọc lên hoàn chỉnh rồi ạ. Em có đi thăm khám hai chỗ thì đều tư vấn cho em la cho dù em muốn mang niềng mắc cài kim loại, sứ hay niềng răng invisalign thì đều phải nhổ ba cái răng khôn số 8 đi để có không gian đeo niềng. Nên em khá hoang mang và đắn đo ạ, liệu nhổ răng số 8 ba cái một lần luôn có nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khoẻ, có ảnh hưởng dây thần kinh không và nếu ảnh hưởng tới dây thần kinh thì có thể hồi phục được không ạ.

    2. Thưa bác sĩ, nếu chỉ nhổ cái răng trên bên phải bị tụt xuống đấy và giữ lại hai cái răng khôn bên trái, vì hai chiếc răng đấy cũng mọc thẳng ạ, thì có bị mất cân bằng không ạ?
    Hay phải nhổ hết ba cái ạ, tốt nhất là phải nhổ hết hay sao ạ?

    3. Có thể tư vấn thêm cho em về nhổ răng khôn bằng công nghệ nhổ răng khôn Piezotome Surgery bằng sóng siêu âm cao tần với nhổ thông thường không ạ. Về chi phí và rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe và dây thần kinh, và sự khác nhau như thế nào ạ!
    Nhổ răng bằng công nghệ này giờ ở Việt Nam và nước khác có phổ biến không ạ, có phải giải pháp tốt nhất và ít rủi ro nhất không ạ!

    Xin cảm ơn và mong nhận được phản hồi sớm ạ!

    • Nguyễn Như Vũ cho biết:

      Chào bạn, mình xin phép trả lời câu hỏi của bạn như sau:
      1. Về vấn đề nhổ răng số 8: Răng số 8 là răng hàm mọc sau cùng, sâu nhất trong khoang miệng, hầu như không có chức năng ăn nhai. Đặc biệt với người châu Á có cung hàm nhỏ, tỉ lệ răng số 8 mọc chen chúc, nghiêng lệch là rất lớn. Ảnh hưởng của răng 8 có thể kể đến như dắt thức ăn, gây sâu răng số 7, vị trí răng 8 nằm sâu trong khoang miệng khó vệ sinh… nên răng 8 thường phải chỉ định nhổ bỏ. Khi thực hiện các điều trị chỉnh nha, việc nhổ răng 8 cũng có thể cần thiết nhằm mục đích có khoảng để kéo lùi các răng trước.

      Thông thường, bạn nên nhổ 2 răng 8 cùng bên (hàm trên và hàm dưới) trong một lần nhổ. Điều này giúp hạn chế khó chịu sau nhổ và ăn uống thuận tiên hơn.

      Ảnh hưởng đến dây thần kinh là một biến chứng sau nhổ răng số 8, đặc biệt là hàm dưới. Tuy nhiên hiện nay sự phát triển của các kĩ thuật giúp hạn chế biến chứng này một cách tối đa. Bạn cần được chụp phim trước nhổ, đó có thể là phim toàn cảnh panorama hoặc tốt nhất là phim cắt lớp 3D để đánh giá chính xác vị trí răng 8 so với dây thần kinh. Trong trường hợp răng số 8 nằm sát dây thần kinh thì có thể cần sử dụng thêm các phương tiện nhổ răng không sang chấn như máy rung siêu âm Piezotome giúp hạn chế tối đa tác động tới mô xung quanh răng, bao gồm cả dây thần kinh. Tất nhiên, kinh nghiệm bác sĩ nhổ cho bạn cũng rất quan trọng.

      2. Do vị trí nằm sâu trong khoang miệng, khó vệ sinh, lại không có chức năng ăn nhai nên răng số 8 nên được nhổ bỏ. Việc nhổ răng 8 còn giúp điều trị chỉnh nha của bạn dễ dàng hơn. Vì vậy bác sĩ khuyên bạn nên nhổ cả 3 răng 8

      3. Phương pháp nhổ răng bằng máy rung siêu âm Piezotome là phương pháp nhổ răng sang chấn tối thiểu tốt nhất hiện nay. Nguyên lí của máy là sử dụng phương pháp rung để cắt bỏ một lượng nhỏ mô xương cứng xung quanh răng mà ít gây tác động đến mô mềm là mạch máu và thần kinh, từ đó giúp kiểm soát đau và chảy máu sau nhổ rất hiệu quả. Nhược điểm duy nhất của phương pháp này là chi phí sẽ tốn kém hơn. Nếu bạn có điều kiện về kinh tế thì đây là phương pháp tốt nhất bạn nên lựa chọn khi nhổ răng số 8. Xin nhắc lại là kinh nghiệm của bác sĩ nhổ cho bạn còn quan trọng hơn việc lựa chọn phương pháp nhổ, tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp nhổ phù hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *