Viêm huyệt ổ răng khô là gì?
- Viêm huyệt ổ răng khô là phản ứng viêm gây đau tại huyệt ổ răng hở. Thường xuất hiện sau nhổ răng, nhất là sau nhổ răng khôn.
- Răng sau khi nhổ để lại một hố trong xương hàm. Sau nhổ răng, cục máu đông hình thành trong huyệt ổ răng, bảo vệ xương và dây thần kinh bên dưới khi lành thương.
- Viêm huyệt ổ răng khô xảy ra khi cục máu đông bị mất đi hoặc không được hình thành. Khi đó, xương và dây thần kinh bị lộ ra ngoài môi trường gây đau nhiều và chậm lành thương.
Tỷ lệ xảy ra viêm huyệt ổ răng khoảng 1 đến 5% trong toàn bộ các trường hợp nhổ răng và lên tới 38% trường hợp nhổ răng khôn. Viêm huyệt ổ răng khô thường gặp ở hàm dưới, bệnh nhân trên 30 tuổi, giới nữ và ở những răng có nhiễm trùng trước đó.
Tóm tắt Viêm huyệt ổ răng khô là phản ứng viêm gây đau xảy ra sau khi nhổ răng (đặc biệt sau nhổ răng khôn). Là tình trạng thường gặp nhưng có thể điều trị được. |
1. Nguyên nhân gây viêm huyệt ổ răng khô?
Những nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Vi khuẩn phân hủy cục máu đông chưa trưởng thành và ngăn cản hình thành cục máu đông mới
- Bựa thức ăn đọng lại làm tan rã cục máu đông.
- Kích thích cơ học như hút ống hút, hút thuốc lá, súc miệng hay khạc nhổ quá mạnh có thể làm bật cục máu đông.
- Nicotine trong thuốc lá, làm chậm lành thương và giảm hình thành mạch máu tân tạo.
- Thuốc tránh thai và chu kỳ kinh nguyệt, làm tăng nguy cơ viêm huyệt ổ răng khô.
- Đồ uống có cồn và có ga cũng có thể làm tan rã cục máu đông.
- Đang dùng thuốc chống loãng xương, hoặc xạ trị
Tóm tắt Viêm huyệt ổ răng có thể do vi khuẩn, mảng bám thức ăn, kích thích cơ học, do nicotine trong thuốc lá, thuốc tránh thai và đồ uống có cồn/có ga. |
2.Triệu chứng viêm huyệt ổ răng khô?
Triệu chứng của viêm huyệt ổ răng khô bao gồm:
- Đau nhiều 3-5 ngày sau nhổ răng
- Đau nhói lan từ huyệt ổ răng và có thể lan lên tai, mắt, thái dương hay cổ cùng bên nhổ răng
- Vị khó chịu trong miệng
- Hôi miệng
- Sốt nhẹ
Những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm huyệt ổ răng khô bao gổm:
- Vệ sinh răng miệng kém
- Nhổ răng khó
- Uống thuốc tránh thai làm ngăn cản lành thương và hình thành cục máu đông
- Hút thuốc lá làm chậm lành thương
- Đồ uống có cồn làm chậm lành thương
- Có tiền sử viêm huyệt ổ răng khô
- Uống bằng ống hút sau nhổ răng, có thể làm bật cục máu đông
- Súc miệng và khạc nhổ nhiều sau nhổ răng, có thể làm bật cục máu đông
Tóm tắt Triệu chứng hay gặp nhất của viêm huyệt ổ răng khô là đau nhói, hôi miệng và vị khó chịu trong miệng. Có thể có sốt. |
3.Viêm huyệt ổ răng khô trông như thế nào?
- Viêm huyệt ổ răng khô nhìn như một hố sau nhổ răng có lộ xương bên trong và xung quanh chu vi huyệt ổ răng.
- Huyệt ổ răng rỗng, khô hoặc có thể có màu trắng giống xương.Thông thường, cục máu đông hình thành lấp đầy huyệt ổ răng.
- Cục máu đông bảo vệ vết thương trong khi lành thương và kích thích phát triển mô mới. Không có cục máu đông, tận cùng thần kinh và xương sẽ bị lộ ra.
- Xương huyệt ổ răng có thể bị lộ hoàn toàn hoặc được phủ bởi bựa thức ăn và một khối vi khuẩn.
- Khi có vi khuẩn và thức ăn, huyệt ổ răng có thể có màu đen, vàng hoặc xanh.Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân không có dấu hiệu viêm huyệt ổ răng khô, trừ dấu hiệu có 1 hố sau nhổ răng.
Hình ảnh viêm huyệt ổ răng khô | Hình ảnh viêm huyệt ổ răng khô |
4. Điều trị viêm huyệt ổ răng khô?
Điều trị viêm huyệt ổ răng khô thông thường bao gồm các bước sau:
- Bơm rửa huyệt ổ răng, làm sạch thức ăn và bựa thức ăn.
- Đặt thuốc lấp đầy huyệt ổ răng, tránh cho bựa thức ăn nhét vào trong huyệt ổ răng.
- Sau khi đặt thuốc, bạn phải tái khám định kỳ với bác sĩ nha khoa để kiểm tra lành thương.
- Bác sĩ nha khoa có thể kê đơn thuốc cho bạn gồm kháng sinh, giảm đau, nước súc miệng chuyên dụng và/ hoặc dung dịch bơm rửa để hỗ trợ lành thương.
- Súc miệng với nước muối vài lần mỗi ngày để làm sạch vi khuẩn và bựa thức ăn. Nhiều loại nước súc miệng có chứa cồn, làm tăng nguy cơ viêm huyệt ổ răng.
Tóm tắt Viêm huyệt ổ răng tương đối dễ điều trị (nhưng cần điều trị kịp thời). Quy trình bao gồm bơm rửa huyệt ổ răng và đặt thuốc để ngăn nó tiến triển. |
5. Chăm sóc viêm huyệt ổ răng khô tại nhà?
Để tránh viêm huyệt ổ răng, bệnh nhân nên làm đúng hướng dẫn của bác sĩ nha khoa, bao gồm:
- Không hút thuốc lá
- Không súc miệng hay tác động vào vùng nhổ răng ít nhất 24 giờ
- Chỉ thay gạc trên huyệt ổ răng khi nó thấm đẫm máu.
Chăm sóc viêm huyệt ổ răng khô tại nhà nên:
- Uống thuốc giảm đau và kháng sinh theo đơn
- Chườm đá
- Súc miệng nhẹ nhàng theo khuyến cáo của bác sĩ nha khoa
- Có thể đặt dầu đinh hương lên vị trí nhổ răng để giảm đau
- Ăn thức ăn mềm cho tới khi lành thương hoàn toàn
- Không hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn
Kháng sinh không có tác dụng đáng kể trong giảm nguy cơ viêm huyệt ổ rang vì trong miệng có hàng trăm loại vi khuẩn. Do đó, nếu bệnh nhân vệ sinh răng miệng tốt thì vẫn có khả năng viêm huyệt ổ răng khô.
Tóm tắt Nếu bạn bị viêm huyệt ổ răng khô thì không nên hút thuốc hay súc miệng mạnh. Dùng thuốc giảm đau và chườm đá nếu cần. Đến gặp bác sĩ nha khoa sớm nhất có thể để được điều trị. |
6. Làm sao để tránh viêm huyệt ổ răng khô?
- Có một vài cách để tránh viêm huyệt ổ răng khô. Quan trọng nhất là súc miệng vài lần một ngày. Súc miệng nhẹ nhàng vì súc miệng và khạc nhổ quá mạnh có thể là bật cục máu đông.Đồng thời, không chải mạnh vào vị trí nhổ răng ít nhất 1 tuần sau phẫu thuật. Ăn thức ăn mềm như sinh tố, trứng, cháo, khoai tây nghiền.
- Tránh uống đồ uống nóng, đồ uống có ga, có cồn, caffeine cho tới khi lành thương hoàn toàn.
Các sản phẩm của thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và viêm huyệt ổ răng khô.
Tóm tắt Bệnh nhân nên liên lạc với bác sĩ nha khoa nếu có đau nhiều vài ngày sau nhổ răng. Viêm huyệt ổ răng có thể chẩn đoán và điều trị dễ dàng. |
7. Những câu hỏi thường gặp?
Huyệt ổ răng có màu gì khi viêm huyệt ổ răng khô?
- Viêm huyệt ổ răng khô nhìn như một hố rỗng tại vị trí nhổ răng. Có thể khô hoặc có màu trắng giống xương.
- Thông thường trong quá trình lành thương, cục máu đông màu đỏ được hình thành trong huyệt ổ răng.
- Cục máu đông sau đó tan dần và thay thế bằng fibrin (một loại protein không bị tan hình thành khi máu đông lại). Fibrin có thể có màu trắng.
- Cuối cùng, lợi phát triển trên fibrin và trở lại màu hồng khi lành thương hoàn toàn.
Viêm huyệt ổ răng khô có tự lành không?
- Trong hầu hết trường hợp, viêm huyệt ổ răng khô sẽ tự lành. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, khi lành thương, bệnh nhân sẽ có cảm giác khó chịu tại vị trí huyệt ổ răng.
- Bệnh nhân nên đến bác sĩ nha khoa để điều trị viêm huyệt ổ răng khô tránh những biến chứng phức tạp.
Làm sao phân biệt viêm huyệt ổ răng khô và đau bình thường sau nhổ răng?
- Viêm huyệt ổ răng khô thường có đau 3-5 ngày sau nhổ răng. Đau thường nặng lên so với ngay sau khi nhổ răng.
- Viêm huyệt ổ răng khô thường xảy ra ở hàm dưới. Đau thường lan lên tai hoặc cổ, hoặc những vùng khác của hàm. Đau cũng có thể kèm theo hôi miệng.
- Viêm huyệt ổ răng khô không phải là nhiễm trùng nên không có sưng, đỏ hay sốt. Đau trong viêm huyệt ổ răng khô thường làm bệnh nhân mất ngủ, không đáp ứng thuốc giảm đau như Ibuprofen.
- Nếu gắp các triệu chứng đau đã giảm dần sau phẫu thuật và đột nhiên nặng lên thì có thể là dấu hiệu của viêm huyệt ổ răng khô.
Viêm huyệt ổ răng khô xuất hiện có nhanh không?
Nếu bạn bắt đầu thấy đau nhiều 3-5 ngày sau phẫu thuật thì có thể là viêm huyệt ổ răng khô.
Viêm huyệt ổ răng khô kéo dài bao lâu?
Đau có thể kéo dài 10 đến 15 ngày (có hoặc không có điều trị)